Người Chăm Bàni chôn người chết trong tư thế nằm nghiêng, cơ thể được quấn vải chứ không dùng quan tài hay đắp mộ như người Kinh.
Phan Rang có một ngôi làng rất đặc biệt mang tên Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam. Nơi đây tập trung rất nhiều ngôi mộ đá xếp dài trên bãi cát, bao bọc xung quanh là những cây xương rồng gai. Rất ít người biết đến làng Văn Lâm này dù nó nằm cách thành phố Phan Rang không xa, chỉ khoảng 8 km. Nét văn hóa người Chăm thể hiện rõ trên những ngôi mộ đá mộc mạc xù xì theo năm tháng ở đây.
Nghĩa trang làng Văn Lâm nằm trên bãi cát rộng mênh mông. Đường vào là một lối mòn bằng cát, hai bên là cây xương rồng màu xanh có gai nhọn, bạn chỉ có thể đi bộ mới vào được. Những hòn đá xù xì tượng trưng cho bia mộ không khắc tên tuổi, trải qua rất nhiều năm tháng nhưng gia đình chôn cất vẫn nhận ra đâu là bia mộ của người thân.
Người Chăm Bàni chôn người chết trong tư thế nằm nghiêng, cơ thể được quấn vải chứ không dùng quan tài và không đắp mộ như người Kinh. Họ chỉ đặt bên trên hai hòn đá để đánh dấu, hòn to là đầu, hòn nhỏ là chân, những bia mộ bằng viên đá được xếp thành những hàng dài. Đến ngày tết, người dân mời thầy Char (chủ lễ tế mộ) tưới nước lên ngôi mộ với ý nghĩa là tẩy uế, làm cho người chết được mát mẻ, sạch sẽ, thanh khiết hơn. Lễ vật để cúng cũng rất đơn giản, gồm rượu (sau này có cả bia), nước trà đóng chai, lá trầu không, bánh, một số hải sản khô.
Bên cạnh những ngôi mộ đá này, có một cánh cổng riêng, đó là nơi chôn cất của người Chăm theo đạo Islam (đạo Hồi). Những ngôi mộ ở đây khá thưa thớt, có vẻ như số lượng người Chăm theo đạo Islam ít hơn. Người dân kể rằng họ an táng thi hài người chết trong quan tài và khi tảo mộ thường vun đắp nấm mồ, ngồi xung quanh đọc kinh tưởng niệm như người Kinh.
Đa số những ngôi mộ đá ở đây màu trắng, vẫn có ngôi mộ màu xanh hoặc hồng, họ khắc tên họ, năm sinh, năm tử và tuổi thọ lên bia mộ để ghi nhớ. Có vẻ như họ tiến bộ hoặc ảnh hưởng lối sống của người dân tộc Kinh khá nhiều.